Một quả bóng dội xuống sàn nhà sẽ nảy lên. Quăng một đồng xu, nó sẽ rơi xuống sau khi chạm trần. Mức hỗ trợ và kháng cự cũng giống như sàn nhà và trần nhà vậy, và giá dao động bên trong nó từ mức kháng cự này đến mức hỗ trợ kia. Hiểu các mức hỗ trợ và kháng cự là điều căn bản để hiểu xu hướng giá. Cho nên việc xác định mức hỗ trợ và kháng cự rất quan trọng. Việc xác định này có thể giúp bạn định liệu được xu hướng này có thể tiếp tục hay sẽ bị đảo chiều trong tương lại.
Hỗ trợ là một vùng giá mà ở đó bên mua đủ mạnh để làm chậm lại hoặc làm đảo ngược xu hướng giảm giá. Khi xu hướng giảm chạm vào các mức hỗ trợ này, giá sẽ dừng lại hoặc nảy lên giống như một trái banh rơi xuống sàn sẽ bật lên (Tùy thuộc vào độ cứng của sàn…)
Kháng cự là một vùng giá mà ở đó bên bán có đủ sức mạnh để làm chậm lại hoặc đảo ngược xu hướng tăng. Khi xu hướng tăng gặp phải kháng cự, giá sẽ dừng lại hoặc giảm lại.
Tất nhiên, các mức hỗ trợ, kháng cự này phải đủ độ tin cậy đủ độ cứng để có thể cản được đường đi của giá. Tốt hơn hết là vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự đi qua các cây nến dừng lại (giá đóng cửa) hơn là vẽ qua các mức giá cực điểm (vùng cao nhất/thấp nhất). Vùng này cho thấy tâm lý của phần đa nhà đầu tư thay đổi tư duy của họ, trong khi các cực điểm chỉ phản ánh sự hoảng loạn của các nhà đầu tư yếu ớt.
Các mức hỗ trợ và kháng cự nhỏ có thể khiến cho xu hướng dừng lại, trong khi các mức chống đỡ hoặc kháng cự lớn có thể làm đảo chiều xu hướng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ thường mua tại các mức hỗ trợ và bán tại các mức kháng cự. Vậy để xác định các mức hỗ trợ và kháng cự này như thế nào?
Xác định hỗ trợ và kháng cự, theo tâm lý giao dịch.
Từ thời xa xưa, khi các nhà đầu tư giao dịch bằng cách ghi phiếu lệnh, giá được ghi lại và vẽ đồ thị bằng cách nghe băng ghi âm, nhìn bảng điện chứ chưa có sự phục vụ của máy tính như bây giờ. Cho nên các nhà đầu tư sẽ nhớ được các mức giá gần đây đã giúp chặn đà giảm và đảo chiều tang giá hoặc ngược lại. Trí nhớ của chúng ta về các lần đảo chiều trước thúc đẩy chúng ta mua và bán tại các mức giá nhất định. Mua và bán theo đám đông tạo nên các mức hỗ trợ và kháng cự. Mức hỗ trợ và kháng cự tồn tại vì mọi người đều có trí nhớ.
Một ví dụ về mức kháng cự của VN30index.
Vùng giá 940 trở thành vùng kháng cự mạnh, bởi vì những lần trước khi giá chạm vùng này thì giá giảm mạnh. Các nhà đầu tư nhớ được mức giá này nên khi giá đến gần vùng 940 là nỗi sợ giảm giá lại hiện về và thế là họ bán ra ngay khi giá gần đạt đến.
Mức hỗ trợ và kháng cự tồn tại vì phần lớn các nhà đầu tư cảm thấy đau đớn và hối tiếc. Các nhà đầu tư nắm giữ vị thế thua lỗ cảm thấy bị tổn thương mạnh. Những người thua lỗ đã xác định thoát ra khỏi thị trường càng sớm càng tốt để chờ cơ hội khác. Các nhà đầu tư bỏ lở cơ hội mua hoặc bán cảm thấy tiếc nuối và cũng chờ đợi thị trường cho họ cơ hội thứ 2. Cảm giác tổn thương và tiếc nuối chỉ ở mức bình thường khi thị trường dao động giá tương đối nhỏ trong khung giá và người thua lỗ không cảm thấy quá đau đớn, và người bỏ lở cơ hội không quá tiếc nuối. Việc giá phá vỡ ra khỏi các khung giá này tạo nên sự tổn thương mạnh hơn và tiếc nuối cũng mạnh hơn.
Khi thị trường đi ngang một thời gian ( tích lũy).
Khi xu hướng tăng bắt đầu, bên bán sẽ chịu cảm giác tổn thương mạnh. Cùng lúc đó bên mua cảm thấy tiếc nuối vì họ đã không kịp mua hoặc mua nhiều hơn. Nên cả 2 sẽ xác định mua lại nếu thị trường giảm đến mức giá phá vỡ. Nỗi đau của bên bán và sự hối tiếc của người mua sẽ thúc giục họ mua vào tại mức giá đó, tạo nên mức hỗ trợ trong các lần điều chỉnh trong xu hướng tăng. Ngược lại đối với trường hợp giá phá vỡ hướng xuống.
Sức mạnh của hỗ trợ và kháng cự, xác định theo tâm lý học.
Như đã đề cập ở trên, mức hỗ trợ và kháng cự đạo tạo ra từ trí nhớ của những người tham gia vào thị trường. Cho nên có thể nói mức hỗ trợ và kháng cự nào mà tạo cho những nhà đầu tư nhớ nhất thì đó là các mức mạnh.
Mà trong tâm lý học, các sự kiện tạo nên ký ức khó phai thì đó là những sự kiện mà gắn liền với các cảm xúc mạnh, mãnh liệt. Do đó, chúng ta có thể xác định mức hỗ trợ và kháng cự mạnh là những mức mà tại đó gây ra cảm giác tiếc nuối, sợ hãi và sự đau đớn nhiều nhất cho nhà đầu tư.
Vậy để gây ra cảm giác tiếc nuối và đau đớn mạnh thì giá cần những yếu tố gì. Theo quan sát của mình thì giá phải đạt những tiêu chí sau đây thì có thể tạo nên mức hỗ trợ và kháng cự mạnh.
- Chiều cao của vùng hỗ trợ và kháng cự càng lớn thì nó càng mạnh. Chiều cao này giống như hang rào bao quanh khu đất, càng cao thì càng khó vượt qua. Có nghĩa là sao? Ví dụ từ một mức giá ban đầu 900 tự nhiên thị trường rơi mạnh một cách đột ngột, giảm 10% còn 810 thì mức đó trở thành kháng cự mạnh hơn nhiều là từ mức 900 giảm chỉ 3% về 870. Ngược lại đối với trend tăng.
- Khối lượng vùng hỗ trợ và kháng cự lớn, nó sẽ càng mạnh hơn. Khống lượng giao dịch cao cho thấy nhiều nhà giao dịch tham gia vào vùng giá này – đó là một tín hiệu cho thấy họ có cảm xúc mạnh với mức giá này. Khối lượng giao dịch thấp cho thấy các nhà giao dịch ít quan tâm đến mức giá này – đó là tín hiệu cho thấy mức hỗ trợ hoặc kháng cự yếu.
Quy tắc giao dịch
- Bất cứ khi nào bạn đang tiệm cận gần tới vùng hỗ trợ hoặc kháng cự, hãy thu hẹp lệnh dừng lỗ. Phản ứng của giá như thế nào khi chạm phải mức hỗ trợ hoặc kháng cự cho thấy sức mạnh của xu hướng. Nếu xu hướng đủ mạnh để xuyên qua vùng này, mức dừng lỗ hẹp của bạn sẽ không bị kích hoạt. Nếu giá bị dội văng xa khi chạm vào, nó cho thấy xu hướng yếu. Lúc này, lệnh dừng lỗ hẹp của bạn sẽ giúp bạn tiết kiệm được lợi nhuận.
- Mức hỗ trợ và kháng cự dài hạn hơn sẽ quan trọng hơn các mức ngắn hạn. Hỗ trợ/kháng cự ở đồ thị tuần sẽ quan trọng hơn đồ thị ngày.
- Mức hỗ trợ và kháng cự tạo nên các cơ hội giao dịch. Mua tại hỗ trợ tin cậy, và bán tại kháng cự tin cậy. Tuy nhiên cần phải có tín hiệu để tham gia như phân kỳ chỉ báo, mẫu hình nến (thất bại, fake). Thời điểm tốt nhất để mua đối với điểm phá võ hướng lên trên đồ thị ngày là khi phân tích của bạn trên đồ thị tuần cho thấy một xu hướng mới đang hình thành. Các điểm phá vỡ thực thường xác nhận bởi khối lượng lớn, trong khi các điểm phá vỡ giả có khối lượng thấp. Điểm phá vỡ thực được xác nhận khi các chỉ báo kỹ thuật đạt đến các mức cực điểm theo xu hướng mới, trong khi các điểm phá vỡ giả thường tạo ra phân kỳ giữa giá và chỉ báo.